
Lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hoá giáo dục, y tế, thể dục thể thao. Người khẳng định văn hóa giáo dục, y tế , thể dục thể thao là những thể hiện sinh động cho bộ mặt của một đất nước, trình độ văn minh của một quốc gia và tính ưu Việt của một chế độ xã hội.
Trên thực tế thì chúng ta cũng thấy sức khỏe của con người là vốn quý, muốn có cuộc sống hạnh phúc thì điều cần thiết đầu tiên cũng phải là sức khỏe.
Dân tộc muốn độc lập, tự cường thì ngoài sức khỏe của nền kinh tế thì sức khỏe của cả dân tộc là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, với tầm nhìn xa trông rộng của Bác mà ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đất nước ta phải đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng chỉ hơn bốn tháng sau Lễ Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 14 về việc lập Nha Thể dục Trung ương trực thuộc Bộ Thanh niên (ngày 30 tháng Giêng năm 1946). Sắc lệnh qui định Nha Thể dục Trung ương có nhiệm vụ cùng Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc. Bộ Thanh niên sẽ ấn định những việc về tổ chức và ngân sách của Nha Thể dục Trung ương (trong Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, Nxb.CTQG, H.2006, t.3, tr.143) . Đến ngày 27 tháng 3 năm 1946, Bác Hồ ký tiếp Sắc lệnh số 38 về việc lập Nha Thanh niên và Thể dục trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục với cơ cấu gồm Phòng Thanh niên và Phòng Thể dục Trung ương ( trong Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử, Nxb.CTQG, H.2006, t.3, tr.190-191). Cùng ngày ký Sắc lệnh 38, Bác Hồ có bài viết đăng trên báo Cứu quốc với nhan đề “ Sức khoẻ và thể dục”. Trong bài viết này Bác phân tích rõ tầm quan trọng của sức khỏe cũng như vai trò của thể dục thể thao đối với sức khỏe con người. Và cũng trong bài viết này Bác đã kêu gọi tất cả mọi người cần phải tập thể dục thường xuyên. Đây là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục đầu tiên của Bác Hồ dưới chế độ mới – chế độ xã hội chủ nghĩa.
Khi đến dự Lễ khai mạc Đại hội Thanh niên Hà Nội vào ngày 26 tháng 5 năm 1946, tại Đại hội này đã phát động Lễ hội thanh niên vận động và Bác Hồ đã được Ban tổ chức mời châm ngọn lửa phát động phong trào Khỏe vì nước. Sau lễ phát động này, phong trào Khỏe vì nước từ Hà Nội đã lan tỏa ra khắp mọi miền đất nước. Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thể thao Việt nam (27/3/1946 – 27/3/2021), tìm hiểu về những sự kiện của Bác Hồ với thể dục thể thao chúng ta có thể khẳng định rằng Bác Hồ chính là người khai sinh ra ngành Thể dục thể thao cách mạng Việt Nam, không chỉ vậy Bác còn chính là người khởi xướng phong trào thể dục quần chúng đầu tiên với khẩu hiệu cách mạng Khỏe vì nước.
Những tư tưởng chỉ đạo của Bác đối với ngành thể dục thể thao nước nhà được thể hiện ở tầm vĩ mô vừa mang tính chính trị sâu sắc, vừa mang tính định hướng cụ thể. Theo quan điểm của Bác thì mỗi công dân đều phải có sức khỏe: Khỏe vì nước, khỏe để phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Rèn luyện sức khỏe là yêu nước, là trách nhiệm của người yêu nước. Đó là quan điểm chính trị, cách mạng . Bác viết: “Giữ gìn dân chủ mới; xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe.Vậy rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của một người yêu nước… Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục” ( trích lời kêu gọi toàn dân tập thể dục).
Bác Hồ không chỉ kêu gọi toàn dân tập thể dục mà chính Bác cũng là tấm gương tự rèn luyện sức khỏe và thể dục, thể thao cho các thế hệ chúng ta học tập. Bác kêu gọi: “Tôi mong rằng đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập” và điều này đã thành nếp sinh hoạt của Người.
Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào Bác Hồ cũng rất quan tâm đến việc tập thể dục để rèn luyện sức khỏe bản thân. Vào những ngày đầu năm 1941, sau khi bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về hoạt động trong nước và ở tại hang Pắc Pó (Cao Bằng). Một trong những công việc được Bác quan tâm đó là chuẩn bị những điều kiện để rèn luyện sức khỏe. Tại đây Bác đã đắp một nền đất để tập thể dục buổi sáng. Khi vừa được ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng Trung Hoa, Bác Hồ đã tập leo núi để rèn luyện sức khỏe. Bác viết:
“ Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng bụi không mờ;
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa”
Trích trong “ Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản phổ thông xuất bản năm 1971, trang 118.
Nhờ chăm chỉ tập thể dục, rèn luyện sức khỏe mà Bác Hồ của chúng ta khi đã “ sáu mưởi tuổi vẫn còn xuân chán” và dù đã 60 tuổi nhưng Bác vẫn có thể đi bộ được 50, 60km một ngày. Khi Bác sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ vào năm 1958, Bác đã 68 tuổi nhưng Người vẫn leo 379 bậc cầu thang lên thăm tháp Cutapmina. Khi lên đến đỉnh tháp Cutapmina, ở độ cao 73 mét, Bác vẫy hoa chào những người bạn của đất nước Ấn Độ và ngắm nhìn Thủ đô Niu Đêli. Nghiên cứu tài liệu về Bác, ta bắt gặp những trang viết, bức ảnh ghi lại các hoạt động tập luyện (nhu quyền, dưỡng sinh, đánh bóng chuyền, bơi lội) của Bác chắc trong chúng ta không ai khỏi bồi hồi, xúc động và cảm phục sự rèn luyện sức khỏe của Người.
Bác Hồ của chúng ta luôn đau đáu nhớ về miền Nam ruột thịt, Bác nói: “ Miền Nam luôn trong trái tim tôi” nhưng trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình Bác cũng chưa một lần được đến thăm miền Nam, một nửa trái tim thương yêu của Tổ quốc. Có một dịp vào mùa xuân năm 1968, trong những ngày đồng bào và chiến sĩ miền Nam tổng tấn nổi dậy nhằm đánh đổ đế quốc Mỹ xâm lược (Tết Mậu Thân năm1968), Bác đã đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Người đi thăm động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Bộ Chính trị hứa sẽ sắp xếp để Bác thăm miền Nam nếu Người có sức khỏe tốt. Và để chuẩn bị có sức khỏe tốt cho chuyến đi, Bác đã tăng cường rèn luyện sức khỏe: “Hồi đó, mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km, có hôm tăng lên 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg…” ( theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác).
Để ghi lại hình ảnh luyện tập của Bác trong dịp này nhà thơ Việt Phương đã viết:
“… Ngoài bảy nhăm, Bác vẫn thường ném bóng
Cái gạt tàn thuốc lá đã từ lâu thôi không nóng trên bàn
Mỗi ban mai Bác luyện chân như ngày xưa tập trèo sườn núi vắng
Con biết lòng Người quyết đến với miền Nam…”
Hơn 50 năm Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng chỉ đạo của Người về mọi phương diện thì vẫn còn nguyên giá trị. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đối với lĩnh vực thể thao, Học tập và làm theo Bác theo quan điểm: “Dân cường thì quốc thịnh”, muốn vậy thì toàn dân phải rèn luyện sức khoẻ, tập luyện thể thao để trở thành những người Khỏe vì nước, khỏe để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.Tấm gương rèn luyện thân thể của Bác là một thực tiễn sinh động, một bài học quí báu để mỗi người trong chúng ta có thể học tập và noi theo, góp phần mình vào công cuộc xây dựng một dân tộc, một đất nước giàu về vật chất, văn minh về văn hóa, mạnh mẽ về thể chất và tinh thần.
Phong trào rèn luyện thân thể theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại hôm nay đang ngày một lan tỏa rộng khắp trên mọi miền đất nước nói chung và Ninh Thuận nói riêng. Ngoài các môn thể thao thành tích cao thì những năm gần đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cũng rất quan tâm đến các môn thể thao quần chúng để vận động phong trào toàn dân tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Các sân chơi, bãi tập thể thao ngoài việc được Nhà nước đầu tư thì cũng được xã hội hóa khá nhiều. Có rất nhiều sân cỏ nhân tạo mini, phòng tập gym, yoga, thể dục nhịp điệu, thể hình,…do tư nhân mở ra để cho nhân dân đến tập thể thao, rèn luyện sức khỏe. Vào sáng sớm và chiều tối các công viên, vườn hoa, quảng trường cũng tấp nập người tập luyện thể thao. Tất cả những hình ảnh ấy đã nói lên phong trào rèn luyện sức khỏe theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại ở địa phương ngày càng khởi sắc. Hy vọng phong trào tập thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm và nhân dân nhiệt tình ủng hộ để xây dựng một dân tộc, một đất nước Việt Nam không những hùng cường về kinh tế mà còn hùng cường cả về thể chất và tinh thần đánh bại mọi hiểm họa thiên tai, dịch bệnh sánh vai cùng với các cường quốc năm châu trên thế giới theo di nguyện của Người.