Chế Độ:  
 - Đăng Nhập  
 
   CSDL Thư mục    
Con đường thiên lý từ bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử
Chuyên mục: Giới thiệu Sách
Ngày đăng: 26/08/2021
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác! …Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ? Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!

 

Những câu thơ mộc mạc, bình dị của nhà thơ Chế Lan Viên một lần nữa gợi lại trong lòng người đọc hình ảnh của người thanh niên ưu tú – Nguyễn Tất Thành. Trên con tàu Amiral Latouche Tréville, vào ngày 05-6-1911, từ bến Cảng Nhà Rồng Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng minh là sáng suốt, phi thường ấy. Ngày đó Bác Hồ rời đất mẹ Việt Nam đi tìm đường cứu nước bằng cách “Đời tàu lênh đênh theo sóng bể. Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi. Những đất tự do, những trời nô lệ. Những con đường cách mạng đang tìm đi”. Trong chuyến hành trình ấy, sau nhiều năm nghiên cứu tình hình trong nước và thế giới, Người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn: Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc. Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin…Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc: "Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!". Hình của Đảng lồng trong hình của Nước. Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.

Với mong muốn giúp bạn đọc tìm hiểu cuộc hành trình vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường chân lý giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ lầm than, Thư viện tỉnh Ninh Thuận giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “ Con đường thiên lý từ bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử”, một ấn bản được nhà xuất bản Văn hóa Thông tin phát hành năm 2015, tác giả Lường Thị Lan sưu tầm và biên soạn.

Nội dung cuốn sách được chứa đựng trong 215 trang, in trên khổ giấy 14cm x 21cm, gồm 3 chương:

Chương 1. Biên niên sự kiện tóm tắt hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1911 – 1945.

Nội dung của Chương 1 được trình bày từ trang 7 đến trang 115 của cuốn sách, tái hiện lại hành trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ năm 1911 – 1945. Có lẽ vào thời điểm bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên ấy cũng không thể ngờ rằng chuyến đi ấy lại kéo dài tới 30 năm, chuyến đi mở ra một chương lịch sử hào hùng cho dân tộc ta, cho thế giới thuộc địa và cho tất cả những người bị áp bức. Và rồi ở cuối con đường thiên lý ấy vào ngày 02-9-1945, thay mặt cho nhân dân Việt Nam, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thể thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Chương 2. Chuyện kể trên con đường thiên lý ( từ trang 116 đến trang 159) .

Ở chương này tác giả đã sưu tầm, biên soạn những mẩu chuyện, những bài viết, nghiên cứu về Bác Hồ hay những hồi ức, kỷ niệm cảm động của một số đồng chí lão thành cách mạng đã từng được sống, chiến đấu, tiếp xúc, làm việc với Bác trong giai đoạn lịch sử từ lúc Người ra đi tìm đường cứu nước đến năm 1945 như: Hai bàn tay; Cái cần nhất trên đời; Bản yêu sách của nhân dân An Nam; Ông Ké ở Tân Trào; Bác Hồ với cán bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội...

Chương 3. Một số bài viết về Hồ Chủ tịch từ năm 1911 đến năm 1945 ( từ trang 160 đến trang 184)

Nội dung chương này sẽ giới thiệu cho bạn đọc một số bài viết về Bác như: Nguyễn Ái Quốc với cách mạng Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX: “ Tìm đường cho dân tộc theo đi”; Từ luận cương Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đến những luận điểm sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nguyễn Ái Quốc và các tổ chức chính trị trên hành trình tìm đường cứu nước (1911 – 1930). Nghiên cứu phần nội dung này giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng, đường lối cách mạng cũng như những cống hiến to lớn của Người đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cuốn sách “ Con đường thiên lý từ bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử”, là một trong những cuốn sách hay đáng được bạn đọc tìm đọc để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức cách mạng của Bác, quyết tâm rèn luyện ý chí, bồi đắp tinh thần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp sánh vai với các cường quốc năm châu theo di nguyện của Người.

Cuốn sách hiện đang có tại kho phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện tỉnh Ninh Thuận. Xin trân trọng giới thiệu!

                                                          

Nguồn: NGUYỄN THANH HÀ – PHÒNG PVBĐ
 
   Thư mục sách mới    
 
   Thư mục sách chuyên đề    
 
   Thư mục Tài liệu địa chí    
 
   Thư mục Trích báo, tạp chí